Đề bài: Theo anh (chị), hủ tục cần bài trừ nhất trong các ngày lễ, ngày tết ở Việt Nam là gì ? Trình bày hiểu biết và quan điếm của anh (chị) về vấn đề này.
Tết đến xuân sang là dịp thường diễn ra rất nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh như chúc Tết, mừng xuân, lễ hội truyền thống của các địa phương, các đình chùa nổi tiếng trong cả nước như hội chùa Hương, hội chùa Thầy, hội Gióng, hội Lim, hội phủ Giầy, lễ xuống đồng, lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương… Nhân dân nô nức tham gia để tiếp nhận luồng sinh khí dồi dào, vui đón một năm mới an lành, hạnh phúc.
Tết là dịp chủ yếu để những người thân trong gia đình, họ hàng sum họp, hàn huyên tâm sự, chia sẻ vui buồn, thành công hay thất bại trong năm vừa qua và trao đổi những dự định học hành, làm ăn trong năm tới.
Tuy vậy, bên cạnh những phong tục tốt đẹp cần gìn giữ và phát huy như đã nêu trên thì Tết cũng là dịp thuận tiện cho nhiều hủ tục, tệ nạn xã hội như thói tiêu xài phung phí, mê tín dị đoan, cờ bạc… phát triển.
Từ xưa, dân gian đã có câu : Khó quanh năm, giàu ba ngày Tết. Có nghĩa là dù quanh năm sống trong nghèo túng thì ba ngày Tết mọi người cũng phải cố sắm sửa sao cho tươm tất để tổ tiên, ông bà khỏi tủi và để đỡ mất mặt với hàng xóm láng giềng. Nhưng điều đó vẫn nằm trong mức độ khả năng kinh tế cho phép, chứ không đồng nghĩa với sự chi tiêu vung tay quá trán mà ngày nay nhiều người, nhiều gia đình mắc phải. Tết hoàn toàn không phải là dịp khoe giàu khoe sang, phô trương thanh thế để lòe thiên hạ. Thế nhưng hiện nay không ít người hiểu sai lệch về ý nghĩa của Tết. Họ đua nhau mua sắm, chất đầy nhà thức ăn, thức uống, cố tìm cho được những gì là quý, là lạ, bất chấp giá cả, chỉ cần tỏ ra ta đây là dân thừa tiền, sành điệu. Họ dám bỏ ra vài chục triệu để mua một cây mai hay một cây cảnh mà họ gọi là “hàng độc” để trưng chơi trong ba ngày Tết. Chi tiêu kiểu đó quả là xa hoa phung phí, trong khi xung quanh còn rất nhiều gia đình nghèo khổ, Tết đến chỉ mong lo được cho đàn con vài cái bánh tét, bánh chưng, vài bộ quần áo mới. Trong cảnh nghèo, nhiều gia đình chỉ có chén trà thay rượu khi tiếp khách và đồ nhắm là những câu chuyện, những tràng cười vui vẻ.