Trong đời của mỗi một người, ai cũng đều ao ước mình có được một học vấn vững chắc để mở cánh cửa vào tương lai. Catherall đã có một lời khuyên xác đáng cho những ai đang phấn đấu đi đến thành công: “Ba cái nền tảng của học vấn là: nhận xét nhiều, từng trải nhiều và học tập nhiều”.
Quả thật, học vấn của mỗi người không phải tự nhiên mà có. Ý kiến của Catherall đã chỉ ra cơ sở để hình thành kiến thức và kỹ năng sống cho mỗi người. Nhận xét nhiều – từng trải nhiều – học tập nhiều có thể hiểu là mỗi người phải chịu khó quan sát cảm nhận cuộc sống xung quanh, tích lũy vốn sống từ thực tế và học hỏi không ngừng.
Nếu như chúng ta sống hời hợt, vô tâm, không chịu quan sát xung quanh, vô cảm với những biến đổi của cuộc sống quanh ta, chúng ta sẽ không phát hiện được những giá trị mới được hình thành, không biết phân biệt thật giả, đúng sai, tốt xấu. Một người chỉ biết chúi mũi vào sách vở, nhồi nhét kiến thức, thiếu một tư duy phản biện dễ hành động máy móc, rập khuôn, trở thành cái bóng của người khác. Lâu dần, sẽ tạo thành một sức ì đáng sợ.
Kiến thức của mỗi người càng lúc càng đầy thêm cùng với thời gian. Một người từng trải cũng là một người biết nhận xét cuộc sống, đồng thời có óc phân tích độc lập, không bị lóa mắt bởi những vẻ bề ngoài hào nhoáng. Bản thân cuộc sống vốn phức tạp, nếu không từng trải dễ có sự ngộ nhận giữa bản chất và hiện tượng và không tránh khỏi sai lầm. Trong hai chữ “từng trải” mà Catherall phát biểu, còn hàm chứa tinh thần sẵn sàng đối mặt với những khó khăn thử thách, chấp nhận và vượt qua những sai lầm định kiến để nhận thức sâu sắc cuộc sống hơn.
Tuy nhiên, một người không thể chỉ có sự từng trải là đủ hình thành học vấn vững chắc cho bản thân mà luôn luôn phải có tinh thần học tập không ngừng. Nếu không học tập nhiều, chỉ căn cứ vào những gì quan tsát được và những trải nghiệm cá nhân, ắt không tránh khỏi sai lầm, chủ quan và phiến diện khi đánh giá mọi việc. Nếu không học tập, chúng ta sẽ bỏ phí kho tàng kiến thức khổng lồ của nhân loại đã tích lũy bao đời. Học tập sẽ rút ngắn thời gian mày mò tìm hiểu, tránh được căn bệnh đại khái sơ lược cũng như chủ nghĩa kinh nghiệm.
Ba yếu tố nền tảng của học vấn có mối quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau để làm nên một nền tảng vững chắc cho học vấn của con người. Để có thể phát huy tối đa vai trò của từng yếu tố, mỗi chúng ta cần phải tự trau dồi bản thân không ngừng, tránh chủ quan tự mãn. Gần đây rộ lên hiện tượng những người nông dân đã có những phát minh sáng chế phục vụ một cách thiết thực cho công việc lao động sản xuất. Trong số họ, có người rất ít được học hành bài bản trong trường lớp. Sản phẩm họ làm ra từ thực tế công việc trên đồng ruộng, nhờ biết nhận xét, thử nghiệm trong quá trình làm việc mà có thể tạo ra những công cụ giảm bớt sức lao động cho bà con. Thành tựu ấy là kết quả của quá trình mày mò tự nghiên cứu, chế tạo và có những sản phẩm phải trải qua thử nghiệm hàng trăm lần mới đi đến thành công. Thành quả ấy còn hơn hàng chục ngàn kỹ sư thiếu thực tế, không chịu tìm hiểu. Tuy nhiên, giá như có sự phối hợp đồng bộ hơn và người nông dân có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật, có sự đóng góp từ phía các chuyên gia, chắc chắn sản phẩm họ làm ra sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian công sức hơn, hiệu quả sẽ cao hơn. Suy cho cùng, sự say mê khám phá hiểu biết thế giới xung quanh là tiền đề để cho phát huy những nền tảng cần thiết cho học vấn như Catherall đã nêu.
Những nền tảng trong việc hình thành học vấn có sẵn trong mỗi chúng ta, hãy làm sao phát huy tối đa bằng thái độ tích cực, chủ động và tinh thần hăng hái, nhiệt huyết của mỗi người. Có một nền tảng học vấn tốt, chúng ta sẽ góp phần tốt hơn cho xã hội phát triển và phục vụ những lợi ích thiết thân của mỗi người.