Ba cái nền tảng của học vấn là: nhận xét nhiều, từng trải nhiều và học tập nhiều

05:30 |

Trong đời của mỗi một người, ai cũng đều ao ước mình có được một học vấn vững chắc để mở cánh cửa vào tương lai. Catherall đã có một lời khuyên xác đáng cho những ai đang phấn đấu đi đến thành công: “Ba cái nền tảng của học vấn là: nhận xét nhiều, từng trải nhiều và học tập nhiều”.



              Quả thật, học vấn của mỗi người không phải tự nhiên mà có. Ý kiến của Catherall đã chỉ ra cơ sở để hình thành kiến thức và kỹ năng sống cho mỗi người. Nhận xét nhiều – từng trải nhiều – học tập nhiều có thể hiểu là mỗi người phải chịu khó quan sát cảm nhận cuộc sống xung quanh, tích lũy vốn sống từ thực tế và học hỏi không ngừng.
              Nếu như chúng ta sống hời hợt, vô tâm, không chịu quan sát xung quanh, vô cảm với những biến đổi của cuộc sống quanh ta, chúng ta sẽ không phát hiện được những giá trị mới được hình thành, không biết phân biệt thật giả, đúng sai, tốt xấu. Một người chỉ biết chúi mũi vào sách vở, nhồi nhét kiến thức, thiếu một tư duy phản biện dễ hành động máy móc, rập khuôn, trở thành cái bóng của người khác. Lâu dần, sẽ tạo thành một sức ì đáng sợ.

              Kiến thức của mỗi người càng lúc càng đầy thêm cùng với thời gian. Một người từng trải cũng là một người biết nhận xét cuộc sống, đồng thời có óc phân tích độc lập, không bị lóa mắt bởi những vẻ bề ngoài hào nhoáng. Bản thân cuộc sống vốn phức tạp, nếu không từng trải dễ có sự ngộ nhận giữa bản chất và hiện tượng và không tránh khỏi sai lầm. Trong hai chữ “từng trải” mà Catherall phát biểu, còn hàm chứa tinh thần sẵn sàng đối mặt với những khó khăn thử thách, chấp nhận và vượt qua những sai lầm định kiến để nhận thức sâu sắc cuộc sống hơn.

              Tuy nhiên, một người không thể chỉ có sự từng trải là đủ hình thành học vấn vững chắc cho bản thân mà luôn luôn phải có tinh thần học tập không ngừng. Nếu không học tập nhiều, chỉ căn cứ vào những gì quan tsát được và những trải nghiệm cá nhân, ắt không tránh khỏi sai lầm, chủ quan và phiến diện khi đánh giá mọi việc. Nếu không học tập, chúng ta sẽ bỏ phí kho tàng kiến thức khổng lồ của nhân loại đã tích lũy bao đời. Học tập sẽ rút ngắn thời gian mày mò tìm hiểu, tránh được căn bệnh đại khái sơ lược cũng như chủ nghĩa kinh nghiệm.

              Ba yếu tố nền tảng của học vấn có mối quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau để làm nên một nền tảng vững chắc cho học vấn của con người. Để có thể phát huy tối đa vai trò của từng yếu tố, mỗi chúng ta cần phải tự trau dồi bản thân không ngừng, tránh chủ quan tự mãn. Gần đây rộ lên hiện tượng những người nông dân đã có những phát minh sáng chế phục vụ một cách thiết thực cho công việc lao động sản xuất. Trong số họ, có người rất ít được học hành bài bản trong trường lớp. Sản phẩm họ làm ra từ thực tế công việc trên đồng ruộng, nhờ biết nhận xét, thử nghiệm trong quá trình làm việc mà có thể tạo ra những công cụ giảm bớt sức lao động cho bà con. Thành tựu ấy là kết quả của quá trình mày mò tự nghiên cứu, chế tạo và có những sản phẩm phải trải qua thử nghiệm hàng trăm lần mới đi đến thành công. Thành quả ấy còn hơn hàng chục ngàn kỹ sư thiếu thực tế, không chịu tìm hiểu. Tuy nhiên, giá như có sự phối hợp đồng bộ hơn và người nông dân có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật, có sự đóng góp từ phía các chuyên gia, chắc chắn sản phẩm họ làm ra sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian công sức hơn, hiệu quả sẽ cao hơn. Suy cho cùng, sự say mê khám phá hiểu biết thế giới xung quanh là tiền đề để cho phát huy những nền tảng cần thiết cho học vấn như Catherall đã nêu.

              Những nền tảng trong việc hình thành học vấn có sẵn trong mỗi chúng ta, hãy làm sao phát huy tối đa bằng thái độ tích cực, chủ động và tinh thần hăng hái, nhiệt huyết của mỗi người. Có một nền tảng học vấn tốt, chúng ta sẽ góp phần tốt hơn cho xã hội phát triển và phục vụ những lợi ích thiết thân của mỗi người.

Đọc thêm…

Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc.

05:28 |

Học tập là mục tiêu suốt đời của mỗi người. Chúng ta hiện nay đang phấn đấu xây dựng một xã hội học tập, nhằm phát huy tối đa khả năng cũng như quyền được được học tập của mỗi người. Có một câu ngạn ngữ của người Gruzia “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hãt giống của hạnh phúc”.



Thật vậy! Kiến thức không phải tự nhiên mà có. Đó là tích lũy hiểu biết của nhân loại, của cộng đồng, của nhiều thế hệ thông qua quá trình học tập mà thành. Học tập chính là quá trình tích lũy kiến thức! Câu ngạn ngữ trên đã có một ví von rất hay khi đưa ra hình ảnh “hạt giống” để nhấn mạnh tầm quan trọng của học tập. Hạt giống sẽ nảy nở phát triển thành cây. Quá trình học tập cũng như gieo hạt giống cho trí não và tâm hồn. Kiến thức nhiều cũng là kết quả tích lũy hãt giống để hứa hẹn một mùa bội thu. Kiến thức tốt, đầy đủ, phong phú sẽ gieo những hạt giống cho tương lai của mỗi con người. Tuy nhiên cần phải hiểu thấu đáo hơn câu ngạn ngữ này ở  nghĩa bao quát của nó. Hạt giống chuẩn bị không tốt, cây sẽ phát triển èo uột, kiến thức nông cạn ít ỏi khiến chúng ta gặp vô vàn khó khăn, lúng túng và bế tắc trong công việc. Và một người học tập được điều hay lẽ phải thì cũng chính là tích lũy hạt giống tốt, còn kiến thức lệcj lạc, sai lầm thì như hạt giống xấu làm hủy hoại tư duy và tâm hồn, sẽ không tránh khỏi gây tác hại cho đời sống. Cũng như vậy, chỉ trên nền tảng một kiến thức đầy đủ mới có tương lai hạnh phúc. Bởi vậy, trong đời sống, ta gặp không ít những tấm gương đổi đời nhờ kiến thức.

Tuy nhiên mối quan hệ học tập – kiến thức – hạnh phúc không chỉ được hiểu đơn giản một chiều mà cần phải thấy rõ mối quan hệ biện chứng nhân quả của nó. Ông bà ta cũng thường nói “gieo nhân nào, gặt quả ấy” như một cảnh tỉnh. Xét mối quan hệ trong ba yếu tố học tập – kiến thức – hạnh phúc cũng cần được nhìn nhận từ nhiều phía. Học tập đúng đắn, có phương pháp, có chọn lọc thì mới có kiến thức tốt, đa dạng, phong phú. Kiến thức tốt cần gắn với  thức đem kiến thức ấy phục vụ cho xã hội và cho bản thân, không chỉ là những kiến thức thu lượm được theo kiểu thực dụng ích kỷ, vì nếu hạnh phúc của ta lại đem bất hạnh cho người khác thì cũng là chứng tỏ ta đã tích lũy hạt giống xấu cho chính ta, gieo mầm bất hạnh cho kẻ khác.
Vì  vậy. mỗi chúng ta phải xác định động cơ học tập đúng đắn, thu lượm kiến thức bổ ích, hướng tới hạnh phúc của cộng đồng hài hòa với hạnh phúc cá nhân. Có như vậy mới thật sự trở thành con người có ích cho xã hội.

Đọc thêm…

Có ý kiến cho rằng “Chưa thử sức thì không bao giờ biết hết năng lực của mình” (Goethe). Anh chị suy nghĩ như thế nào?

05:27 |

Có lẽ mỗi người trong chúng ta vẫn luôn băn khoăn về năng lực thực sự của bản thân. Có không ít người hoang mang hay mặc cảm mình luôn thua kém người khác. Tuy nhiên, đại thi hào Đức Goethe đã có một ý kiến thật xác đáng : “Chưa thử sức thì không bao giờ biết năng lực của mình”.



Suy cho cùng, khi bắt tay vào một công việc nào đó cũng chính là lúc chúng ta đang thử sức của chính mình. Có nhiều người vẫn tỏ ra chủ quan khi phát biểu những câu đại loại như “dao giết gà ai đem mổ trâu” nhưng khi bắt tay vào việc thì lại tỏ ra lúng túng, không xử lý được những vướng mắc nhỏ nhặt. Bên cạnh đó lại có những người luôn tỏ ra rụt rè nhút nhát, không dám thử sức mình trong những công việc mới mẻ, vì vậy mà những người này cũng không sáng tạo được gì có ích cho cuộc sống. Trong tác phẩm “Bà lão Idecghin” của nhà văn M.Gorki có hình tượng chàng Đan-kô xé toang lồng ngực lấy tim làm đuốc thắp đường cho đoàn người tiến lên, chàng đã động viên mọi người: “Suy nghĩ không thể hất bỏ được tảng đá trên đường ta đi, hãy gạt nó sang một bên và nào, đi đi, cùng tiến bước!”. Câu chuyện ấy tiêu biểu cho vẻ đẹp con người dám nghĩ, dám làm và dám đối mặt với thử thách. Chỉ có thật sự thử sức của bản thân, con người mới đánh giá chính mình một cách chính xác, để có thể điều chỉnh kịp thời, có đối sách thích hợp để xử l công việc một cách hoàn hảo.

Có khi nào chúng ta đứng rước một công việc hoàn toàn mới mẻ mà không có một chút lúng túng. Nhưng những người có ý chí thì công việc ấy chính là một dịp thử sức. Vậy thì tại sao chúng ta không thử sức mình. Dám chấp nhận thất bại cũng là một dịp rèn luyện để đi đến thành công. Còn những người mang tư tưởng ngại khó thì nhất định không thể giải quyết tốt công việc, những người như vậy tự mình đánh mất cơ hội của chính mình. Cuộc sống chính là một môi trường thử thách, ở đó không có chỗ cho những người thiếu tự tin. Tuy nhiên, lòng tin cũng cần có một phương pháp tốt để thực hiện tốt công việc, chỉ qua cọ xát, con người mới có thêm kinh nghiệm để tránh những sai lầm, qua đó cũng tự bồi đắp cho mình năng lực suy đoán, năng lực hành động.


Một người dám thử thách cũng là một người có bản lĩnh, có niềm tin vào bản thân và có đủ quyết tâm, nghị lực thực hiện công việc đến cùng.
Đọc thêm…

Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất (Platon)

05:25 |

Mỗi chúng ta đều có một mục tiêu cần phải chinh phục, ai cũng có ước mơ đạt được thành công trong cuộc đời. Nhưng làm thế nào để có thể đạt được thành công mỹ mãn? Nhà triết học Hi Lạp Platon có một câu nói nổi tiếng: “Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất”.





Câu nói của Platon có thể hiểu là muốn chinh phục một mục tiêu nào đó, trước hết mỗi người cần phải tự vượt qua chính mình. Thành bại trong cuộc sống trước hết bắt nguồn từ chính bản thân. “Chiến thắng bản thân” chính là sự khẳng định lòng tự tin ở mỗi người.

Quả thật, xét trong đời sống, từ những việc vá trời lấp biển đến một việc cỏn con bình thường, điều đầu tiên con người cần phải tự tin. Nếu thiếu tự tin, con người sẽ không đủ bản lĩnh để vượt qua những thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Khi bắt tay vào một công việc nào, chúng ta cũng phải xác định rõ mục tiêu và xem xét khả năng của mình để đạt mục tiêu đó. Một học sinh nếu thiếu lòng tự tin sẽ dễ nản chí trước những bài tập khó, nhưng nếu học sinh đó bình tĩnh xem kỹ lí thuyết, vận dụng các phương pháp làm bài một cách hợp lí thì sẽ giải quyết nhanh gọn vấn đề. Một công nhân tiếp xúc với kỹ thuật mới, nếu như thiếu tự tin thì sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn, nhưng nếu kiên trì thì sẽ thành công. Trong cuộc sống không thiếu những tấm gương như vậy

Lòng tự tin là cơ sở để con người chiến thắng chính mình. Bên cạnh đó còn đòi hỏi sự kiên trì và lòng say mê để có thể theo đuổi công việc của mình. Các danh nhân trên thế giới đều là những con người hội đủ các tố chất trên để đạt được những thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp của mình. Thắng không kiêu, bại không nản, thiết nghĩ cũng là một trong những yếu tố giúp con người chiến thắng chính mình. Lòng kiêu căng cũng như thái độ tự ti đều là những mầm mống làm con ngườ ikhông thể vượt qua chính mình.


Tương tự với ý kiến của Platon, học giả Nguyễn Bá Học cũng từng phát biểu: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Danh tướng Napoleon cũng từng nói “Thắng cả vạn địch quân không khó bằng chiến thắng chính mình!”. Thiết nghĩ, mỗi chúng ta cần phải tự rèn luyện cho mình những phẩm chất cần thiết để vươn lên trong học tập, rèn luyện và đóng góp công sức một cách thiết thực nhất cho sự phát triển xã hội.
Đọc thêm…

Bình luận câu tục ngữ: “Chết trong hơn sống đục”.

05:23 |


Câu tục ngữ "Chết trong hơn sống đục" từ lâu đã thành lẽ sống gắn liền với phẩm chất dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, khi xã hội đã có nhiều thay đổi, có những giá trị cũ đảo lộn thì câu tục ngữ ấy vẫn luôn luôn đúng!



Trước hết, câu tục ngữ này hướng chúng ta đến một cách sống biết tự trọng của con người có nhân cách, qua lối so sánh nhằm khẳng định một sự lựa chọn dứt khoát. "Chết trong" là dám chấp nhận đánh đổi cả mạng sống của mình để giữ lòng thiện,không thay đổi chí hướng, trọng danh dự hơn mạng sống của bản thân. Còn "sống đục" là cách sống của loại người tiểu nhân bỉ ổi, sẵn sàng bán rẻ danh dự lương tâm để cầu mong vơ vét chút lợi lộc cho riêng mình. Quan niệm từ câu tục ngữ này có sự gặp gỡ với tinh thần: "Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục" của hạng người quân tử trong xã hội ngày xưa. Thực chất từ lối so sánh này ta có thể nhận ra mối quan hệ giữa danh - lợi, tinh thần - vật chất, có ý nghĩa to lớn, quan hệ đến sự sống - cái chết của con người.

Thực tế trong lịch sử dân tộc cũng như trong các mối quan hệ của đời sống, chúng ta đã chứng kiến nhiều tấm gương sáng đã sống đúng theo tinh thần của cha ông đúc kết ngàn đời nay. Trần Bình Trọng "thà làm ma nước Nam hơn làm vương đất Bắc" đã sẵn sàng chấp nhận cái chết quyết không quỳ gối đầu hàng tướng giặc Thoát  Hoan, bao anh hùng nghĩa sĩ hy sinh được Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" cũng sống đúng tinh thần "Thà chết mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu tiếng đầu Tây, ở với man di rất khổ". Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã có bao chiến sĩ kiên cường nêu gương hy sinh anh dũng, vượt qua sự cám dỗ vật chất của kẻ thù, một lòng kiên trung với cách mạng. Và lịch sử cũng ghi lại và phỉ nhổ bọn người bán nước cầu vinh như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống. Trong xã hội hiện đại dường như tìm một tấm gương sáng theo tinh thần "Chết trong hơn sống đục" khó hơn nhiều, bởi lẽ xung quanh có bao nhiêu sự quyến rũ của bả vinh hoa. Có những người kiên cường trong chiến đấu nhưng lại gục ngã giữa đời thường chỉ vì ham bổng lộc, quyền chức sẵn sàng hại người, thủ đoạn man trá để vơ vét cho đầy túi tham. Các hiện tượng tham nhũng hối lộ tham ô cũng như sự thoái hóa đạo đức trong đội ngũ công bộc của dân khiến cho những ai có lương tri đều cảm thấy nhức nhối. Tuy nhiên vẫn có những người dũng cảm dám đứng lên trực diện đấu tranh với kẻ xấu, cái ác, sẵn sàng chấp nhận trù dập để cho công lý thắng lợi, họ có thể là những con người bình thường vô danh nhưng đáng để chúng ta nể phục.

Muốn sống đúng theo lẽ sống tốt đẹp này, chúng ta cũng cần tự nhìn nhận lại bản thân, điều chỉnh tu dưỡng chính mình, biết nhìn thẳng vào những sai lầm và rèn luyện bản lĩnh đấu tranh loại trừ cái xấu, không nể nang bao che, không a dua nịnh hót, không để bị cuốn vào vòng xoáy của lợi danh, tham quyền cố vị... Có như vậy, mỗi chúng ta mới thật sự trưởng thành, chiến thắng bản thân để hoàn thiện nhân cách.

Câu tục ngữ "Chết trong hơn sống đục" là lời cảnh tỉnh cho mỗi người chúng ta, là truyền thống tốt đẹp mà mỗi người cần trân trọng, gìn giữ và phát huy.
Đọc thêm…

Nghị Luận về kí ức

19:43 |
Đề bài:

Nhiều người tin rằng để thành công và thăng tiến trong cuộc sống cần phải biết lãng quên những sai lầm và thất bại trong quá khứ.
Một số người khác lại coi kí ức như là một điều quan trọng trong cuộc sống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Kí ức gây cản trở hay giúp con người trong nỗ lực học hỏi từ quá khứ để thành công trong hiện tại? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng các ví dụ từ sách báo, các trải nghiệm cá nhân hoặc các quan sát của bạn trong cuộc sống.



Bài viết tham khảo:

              Cuộc sống của con người được nuôi dưỡng bởi những ước mơ về tương lai tốt đẹp hơn, con đường trước mặt trải luôn thảm đỏ và hoa hồng. Nhưng liệu có ai có dịp ngoảnh lại chặng đường đã qua, để lục tìm trong kí ức những bài học dẫn đến thành công? Nhiều người tin rằng để thành công và thăng tiến trong cuộc sống cần phải biết lãng quên những sai lầm và thất bại trong quá khứ. Nhưng một số người khác lại coi kí ức như một điều quan trọng trong cuộc sống, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Vậy kí ức gây cản trở hay giúp con người trong nỗ lực học hỏi từ quá khứ để thành công trong hiện tại?

              Quả thật khi có những ý kiến trái chiều nhau, mỗi bên đều có lý do riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Những ai cho rằng “cần phải biết lãng quên những thất bại và sai lầm trong quá khứ” có lẽ e ngại những kí ức về quá khứ thất bại và sai lầm sẽ làm con người trở nên do dự khi tiến hành chinh phục một mục tiêu nào đó. Quá khứ đối với họ như một vết đen, một dấu ấn không tốt luôn ám ảnh, thậm chí có thể làm ảnh hưởng đến sự nghiệp và tiền đồ của họ. Còn phía những người cho rằng kí ức là “cầu nối giữa quá khứ và hiện tại” thì tỏ ra lạc quan hơn, họ dám nhìn thẳng vào những sai lầm thất bại trong quá khứ để rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết để tránh vấp ngã trong tương lai. Dù muốn lãng quên hay mang theo kí ức trên hành trang tiến vào tương lai, cả hai phía đều không thể phủ nhận sự tồn tại hiển nhiên của kí ức trong mỗi con người.

              Thực tế trong cuộc sống, ai không có những thất bại và sai lầm, xuất phát từ hoàn cảnh khách quan và yếu tố chủ quan của mỗi người. Nhà cách mạng Phan Bội Châu đã từng đúc kết thành bài học: “Tay ba lần gãy - mới biết thuốc tiên – Đánh trăm trận quen - Mới nên tướng giỏi - Nếu không thất bại – Sao có thành công? – Xưa nay anh hùng - từng thua mới được!”. Nhà thơ cộng sản Tố Hữu cũng từng viết : “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại? Ai nên khôn mà không dại đôi lần?”. Các ý kiến trên đều chứng tỏ vai trèo quan trọng không thể phủ nhận của những bài học từ quá khứ sẽ quyết định cho sự thành bại của con người trong tương lai. Quá khứ dù có sai lầm hay thất bại thì ta cũng không thể chối bỏ được nó. Nhà thơ Abutalip của Đaghextan từng phát biểu: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”. Nếu không biết tôn trọng quá khứ thì con người sẽ không tránh khỏi những va vấp trong cuộc sống, sẽ chuốc lấy những thất bại. Thực tế con đường đi tới thành công không bao giờ chỉ trải thảm đỏ và hoa hồng. Con người phải luôn đối mặt khó khăn thử thách thì mới có cơ hội thực sự trưởng thành và thăng tiến trong sự nghiệp. Những người muốn lãng quên quá khứ sai lầm và thất bại thực ra sẽ không thể nào dứt bỏ được kí ức mà ngược lại, kí ức ấy tồn tại một cách vô hình mỗi khi con người gặp những cảnh ngộ, những tình huống ở hiện tại tương tự như họ đã từng gặp trong quá khứ. Muốn thành công, họ không thể lặp lại vết xe đổ trước đó, còn nếu lãng quên thật sự thì chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại mà thôi! Sự thăng tiến ở những con người ấy nếu có, cũng chỉ là từ sự khôn ranh, cơ hội, che đậy suy nghĩ vụ lợi đầy tính toán ích kỉ, biểu hiện của lối sống bị cả xã hội lên án.

Quan sát trong đời sống, mỗi một sự phát triển đi lên bao giờ cũng gắn với những con người biết khắc phục sai lầm quá khứ, biết vươn lên từ thất bại. Nhà phát minh người Mỹ Thomas Edison khi được vinh danh như con người vĩ đại của nước Mỹ vì công lao thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại vẫn không quên những lời phỉ báng của cô giáo chủ nhiệm năm lớp Bốn. Chính sự miệt thị thiếu công bằng, sự xúc phạm từ tuổi thơ đã thôi thúc ông chứng minh mình không phải là đứa học trò “dốt, lười, hư và hỗn láo” qua hàng ngàn phát minh sáng chế, để tên tuổi của ông được đặt một cách trang trọng cho ngôi trường mà ông đã bị đuổi học. Những ai từng đọc giai thoại về Cao Bá Quát chắc chắn còn nhớ câu chuyện rèn chữ của ông. Dù văn hay nhưng chữ xấu, Cao Bá Quát đã khiến quan huyện nổi giận phạt người được ông viết giúp đơn. Nỗi nhục chữ xấu ám ảnh khiến Cao Bá Quát ngày đêm luyện chữ, trở thành người chữ đẹp nổi tiếng hàng đầu thời nhà Nguyễn. Giả sử không tự sửa mình, Cao Bá Quát sẽ không thể nào được người đời sau ca tụng không chỉ “văn hay” mà còn “chữ tốt”. Kí ức không chỉ có vai trò quan trọng đối với cá nhân mà còn có vai trò vô cùng cần thiết với xã hội, với cộng đồng. Dân tộc ta nhờ phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm mà lần lượt đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Nhưng từ sự sai lầm chủ quan duy ý chí bất chấp thực tế khách quan mà chúng ta vấp phải hàng loạt những sai lầm trong xây dựng kinh tế. Việc chỉ hướng về tương lai tốt đẹp mà không tự vạch ra con đường riêng của mình, rập khuôn những mô hình lạc hậu về kinh tế đã khiến chúng ta phải trả một giá đắt. Đại hội VI của Đảng năm 1986đã nghiêm khắc kiểm điểm rút kinh nghiệm từ những sai lầm để quyết tâm đổi mới, làm đá6t nước ta có bước phát triển vượt bậc, vững vàng hơn trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Như vậy, có thể thấy kí ức sẽ đem lại cho ta những bài học kinh nghiệm, những thực tiễn quí báu để làm hành trang đi tới tương lai vững chắc.

              Tuy nhiên, cũng cần phải có thái độ đúng đắn khi nhìn lại, nghĩ về quá khứ. Có những người quá nặng nề với quá khứ sẽ trở nên bi quan, thiếu tin tưởng vào bản thân, do dự trong suy nghĩ, thiếu quyết tâm hành động. Còn những người biết vượt qua quá khứ thất bại và sai lầm, có bản lĩnh, có ý chí vươn lên thì sẽ luôn tự tin, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận thử thách hiện tại để thành công trong tương lai. Những người như vậy đã “lãng quên quá khứ” một cách đúng đắn, gạt bỏ tảng đá nặng nề của kí ức trên đường để đến đích tương lai rộng mở!


              Mỗi học sinh chúng ta cũng luôn cần tạo cho mình thái độ đúng đắn với quá khứ, tự rèn luyện bản thân, không chủ quan tự mãn hay tự ti trước quá khứ, có như vậy chúng ta mới thật sự trở thành những con người có ích cho xã hội mai sau.
Đọc thêm…